Một số nội dung về tình hình đăng ký doanh nghiệp và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại Hải Dương

Hải Dương là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, có vị trí quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Đây là nơi có lợi thế vô cùng lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên với hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông khá hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, tác động nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 đã khiến tình hình kinh tế - xã hội tại Hải Dương 9 tháng đầu năm 2020 gặp không ít khó khăn, thách thức, tăng trưởng chậm lại, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn.  

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước; tình hình doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể tiếp tục tăng lên do Hải Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng lớn của làn sóng Covid thứ 2.

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020

1. Doanh nghiệp thành lập mới

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Hải Dương có 1.183 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 4% khu vực Đồng bằng sông Hồng và chiếm 1,2% cả nước) với số vốn đăng ký là 9.486 tỷ đồng (chiếm 2,7% khu vực và chiếm 0,7% cả nước), giảm 7,7% về số doanh nghiệp và giảm 14,1% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới tại Hải Dương là 12.025 (chiếm 4,7% khu vực và chiếm 1,5% cả nước), giảm 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Tại Hải Dương, trong 9 tháng đầu năm 2020 có 364 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (chiếm 3% khu vực và 1,1% cả nước), tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

3. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tại Hải Dương có: 529 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 4% khu vực và chiếm 1,4% cả nước), tăng 62,8% so với cùng kỳ năm 2019; 55 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (chiếm 0,9% khu vực và chiếm 0,2% cả nước), tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2019; 117 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (chiếm 4,2% khu vực và chiếm 1% cả nước), tăng 21,9% so cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, theo số liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2020, tại Hải Dương có 441 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (chiếm 2,9% khu vực và 1,2% cả nước), tăng 34,5% so cùng kỳ năm 2019.

II. Về tình hình cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh

Nhìn chung, tình hình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đăng ký doanh nghiệp tại Hải Dương được xử lý tương đối tốt. Cụ thể trong năm 2019: thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới là 1,51 ngày, nhanh hơn so với quy định tại Luật Doanh nghiệp (03 ngày làm việc); tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hạn đạt 97,03%. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được thực hiện bằng phương thức đăng ký qua mạng điện tử tại Hải Dương chỉ đạt 29,53%, thấp hơn rất nhiều mức trung bình của cả nước (70,7%). Đây là một điểm cần lưu ý đối với Hải Dương, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện việc xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử.

Theo kết quả công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 4 năm liên tiếp giảm thứ hạng, chỉ số PCI năm 2019 của Hải Dương xếp thứ 47 trong cả nước, với 63,85 điểm, tăng 8 bậc so với năm 2018 và nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số PCI đạt khá. Tuy vị trí xếp hạng chưa cao, nhưng kết quả này thể hiện những nỗ lực nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Dương trong năm 2019. Thể hiện ở thu hút đầu tư trong nước tăng 65%, thu hút đầu tư nước ngoài tăng 25% so với năm 2018 và thu ngân sách nhà nước vượt gần 30% dự toán giao, tăng 12,5% so với năm 2018. Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm nay, Hải Dương có 6 chỉ số tăng điểm là gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, minh bạch, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động. Có 4 chỉ số giảm điểm là chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng và thiết chế pháp lý. Trong đó, chỉ số đào tạo lao động có mức tăng cao nhất (tăng 0,87 điểm), tiếp đó là chỉ số gia nhập thị trường (tăng 0,75 điểm) và tiếp cận đất đai (tăng 0,73 điểm). Cả 3 chỉ số thành phần bị giảm điểm (gia nhập thị trường, đào tạo lao động và hỗ trợ doanh nghiệp) năm 2018 đều đã tăng điểm trong lần đánh giá này. Điều đó cho thấy, các biện pháp để nâng cao những chỉ số giảm điểm của năm trước đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Kết quả trên đã chứng minh chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh đang có chuyển biến tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Thời gian qua, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Doanh nghiệp đã thuận lợi hơn trong tiếp cận thông tin về đất đai, thiết chế pháp lý...

Mặc dù vậy, so với nhiều tỉnh, thành phố có chỉ số PCI khá và tốt, Hải Dương vẫn còn ở khoảng cách khá xa. Để nâng cao chỉ số PCI đòi hỏi tỉnh có các giải pháp đột phá, các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn nữa...

Về chỉ số PAPI, Hải Dương đạt 45,74 điểm, xếp thứ 7 trong cả nước và ở trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp chỉ số cao nhất. Theo báo cáo được công bố, kết quả các chỉ số thành phần của Hải Dương như sau: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,55 điểm; công khai, minh bạch đạt 5,86 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,98 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,88 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7,37 điểm; cung ứng dịch vụ công đạt 7,39 điểm; quản trị môi trường đạt 3,63 điểm; quản trị điện tử  4,07 điểm.

Về kết quả xếp hạng PAR INDEX, Hải Dương xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 8 bậc so với năm 2018.Trong đó, nhóm lĩnh vực tăng hạng cao là: Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xếp thứ 25/63, tăng 28 bậc; Chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, xếp thứ 45/63, tăng 18 bậc; Cải cách tài chính công, xếp thứ 3/63, tăng 9 bậc; Cải cách thủ tục hành chính, xếp thứ 52/63, tăng 6 bậc. Đối với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Hải Dương xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giữ nguyên vị trí như năm 2018.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực của tỉnh giảm hạng sâu so với năm 2018 là: Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, giảm 30 bậc; Hiện đại hóa hành chính, giảm 24 bậc; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm 14 bậc; Tác động của cải cách hành chính đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giảm 20 bậc./.

Võ Huy Hùng