Việt Nam nằm trong nhóm 4 nền kinh tế đạt được tiến bộ ấn tượng nhất về thứ hạng trong Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo
VIỆT NAM NẰM TRONG NHÓM 4 NỀN KINH TẾ ĐẠT ĐƯỢC TIẾN BỘ ẤN TƯỢNG NHẤT VỀ THỨ HẠNG TRONG BỘ CHỈ SỐ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Ngày 8/9/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020 và Kết quả của Việt Nam nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương hiểu rõ hơn về Chỉ số GII và kết quả của Việt Nam; từ đó tiếp tục xây dựng và triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số nhằm đạt được mục tiêu như Chính phủ đã đặt ra và phân công cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Ảnh Hội thảo (Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)
Hội thảo có sự tham gia trực tuyến của các chuyên gia từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Đại sứ - Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành được giao chủ trì Chỉ số GII và một số đơn vị.
Chủ đề của GII 2020 đưa ra câu hỏi “Ai sẽ cung cấp tài chính cho đổi mới sáng tạo”? Câu hỏi quan trọng là ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ tác động như thế nào đến các công ty khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và các nguồn tài chính truyền thống khác cho đổi mới sáng tạo. Nhiều Chính phủ đang thiết lập các gói cứu trợ khẩn cấp để giảm bớt tác động của việc đóng cửa và đối mặt với suy thoái kinh tế đang rình rập. Báo cáo GII 2020 cho rằng các vòng hỗ trợ tiếp theo phải được ưu tiên và sau đó mở rộng cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và các công ty khởi nghiệp đang gặp trở ngại trong việc tiếp cận các gói giải cứu.
Trong bảng xếp hạng GII 2020, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Anh và Hà Lan lần lượt dẫn đầu bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo, và nền kinh tế thứ hai của Châu Á – Hàn Quốc – đã lần đầu tiên gia nhập nhóm 10 nền kinh tế dẫn đầu (trước đó có Singapore đứng thứ 8). Nhóm 10 nền kinh tế dẫn đầu chủ yếu là các quốc gia có thu nhập cao.
Nhóm 10 nền kinh tế dẫn đầu về đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 |
|
1 |
Thụy Sĩ (hạng 1 năm 2019) |
2 |
Thụy Điển (hạng 2 năm 2019) |
3 |
Hoa Kì (hạng 3 năm 2019) |
4 |
Anh (hạng 5 năm 2019) |
5 |
Hà Lan (hạng 4 năm 2019) |
6 |
Đan Mạch (hạng 7 năm 2019) |
7 |
Phần Lan (hạng 6 năm 2019) |
8 |
Singapore (hạng 8 năm 2019) |
9 |
Đức (hạng 9 năm 2019) |
10 |
Hàn Quốc (hạng 11 năm 2019) |
Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế, duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019 – được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam (năm 2019, Việt Nam xếp hạng 42/129 quốc gia/nền kinh tế). Trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu (năm 2019 nhóm này có 26 quốc gia và Việt Nam cũng đứng đầu). Trong 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 3, sau Singapore và Malaysia. Bên cạnh đó, cùng với 3 quốc gia khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Phillipines, Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng nhất về thứ hạng trong Bộ Chỉ số GII. Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế GII trong top 50 có sự tiến bộ đáng kể nhất về vị trí xếp hạng trong việc tăng thứ hạng theo thời gian.
Hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường và kinh doanh, trong đó Tiếp cận tín dụng, đặc biệt Tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân (hạng 15) và Tín dụng vi mô (hạng 11), phát triển rất mạnh. Năm nay, Việt Nam có tiến bộ đáng chú ý về các Liên kết đổi mới sáng tạo, với sự cải thiện hiệu quả ở chỉ số Hợp tác Viện trường – Doanh nghiệp và chỉ số Hiện trạng phát triển các cụm công nghiệp.
Theo các chuyên gia của WIPO, trong bối cảnh các quốc gia/nền kinh tế khác luôn nỗ lực cải thiện kết quả đổi mới sáng tạo, chưa kể những biến động khó lường trên phạm vi toàn cầu đã và đang diễn ra trong thời gian qua, Việt Nam vượt qua thách thức, duy trì được thứ hạng 42, tiệm cận nhóm 40 quốc gia/nền kinh tế dẫn đầu như đã đạt được trong năm 2019 là một nỗ lực rất lớn.
Ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO cho biết: “Đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Mục tiêu của Bộ Chỉ số GII là cung cấp dữ liệu với thông tin chi tiết về đổi mới sáng tạo, năng lực để đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo cũng như cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiện trạng đổi mới sáng tạo của họ, kết quả đổi mới sáng tạo của các quốc gia và đưa ra các quyết định sáng suốt về chính sách đổi mới sáng tạo”.
Thông tin tham khảo: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là gì? Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực của các hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia, được Trường Kinh doanh INSEAD (Pháp) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Sau đó, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đã tham gia để phát triển phương pháp luận và xây dựng mô hình đánh giá phù hợp hơn. Bộ công cụ đo này được cho là tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo ĐMST truyền thống như số lượng các bài báo nghiên cứu được công bố, số đơn đăng ký sáng chế hay chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT). Trong đánh giá của WIPO, ĐMST được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là ĐMST dựa trên NC&PT mà còn là những ĐMST không dựa trên NC&PT và bao trùm cả ĐMST về tổ chức, thị trường v.v... Cách tiếp cận này của tổ chức WIPO thể hiện quan điểm năng lực ĐMST của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác. Với cách tiếp cận này, GII được tích hợp từ số đo (được quy chuẩn) của bảy (07) trụ cột lớn (pillars), mỗi trụ cột lớn được tích hợp từ số đo của ba (03) trụ cột nhỏ (sub-pillar, tạm gọi là nhóm chỉ số). Mỗi nhóm chỉ số bao gồm từ 02 đến 05 chỉ số thành phần (indicators), tổng thể có khoảng 70 - 80 chỉ số thành phần, thay đổi tùy từng năm. Năm 2017, có 81 chỉ số thành phần được sử dụng. Năm 2018, có 80 chỉ số thành phần được sử dụng. Các yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng GII Các điểm số, xếp hạng từ năm này qua năm khác không so sánh trực tiếp được và nếu làm như vậy rất dễ dẫn đến những sai lệch. Kết quả xếp hạng của mỗi năm phản ánh vị trí tương đối của quốc gia/nền kinh tế trên cơ sở khung lý thuyết, các dữ liệu được sử dụng, và tổng thể các quốc gia được chọn tham gia xếp hạng của năm đó, đồng thời phản ánh thay đổi của chỉ số nội hàm và sự sẵn có của dữ liệu. Có 4 yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng hàng năm của một quốc gia/nền kinh tế, đó là: (i) mức độ thực hiện (performance) thực sự của quốc gia/nền kinh tế đó; (ii) những điều chỉnh về khung lý thuyết GII; (iii) cập nhật dữ liệu, cách xử lý giá trị ngoại lai, số liệu bị thiếu; và (iv) việc thêm hay bớt các quốc gia/nền kinh tế trong mẫu so sánh. Dữ liệu của chỉ số GII Có khoảng trên dưới 30 nguồn dữ liệu/cơ sở dữ liệu được sử dụng để lấy thông tin, số liệu phục vụ tính toán GII. Trong đó, các cơ sở dữ liệu của Ngân hàng thế giới và các tổ chức của Liên hợp quốc là nhiều nhất. Ngoài ra, một số cơ sở dữ liệu của các tổ chức nghiên cứu độc lập hoặc kết quả nghiên cứu, khảo sát của một số tổ chức khác cũng được sử dụng. Một số chỉ số được lấy dữ liệu ở nhiều nguồn khác nhau (tùy thuộc vào từng quốc gia/nền kinh tế có số liệu sẵn có và cập nhật hơn ở nguồn nào). Việc có dữ liệu lớn, đầy đủ và chính xác sẽ giúp một quốc gia hiểu rõ hơn các điểm mạnh và điểm yếu của mình, cũng như tạo điều kiện tốt hơn để các nhà hoạch định chính sách xây dựng kế hoạch và điều chỉnh chính sách một cách phù hợp. Phương pháp tính toán chỉ số GII Các chỉ số thành phần sử dụng hoàn toàn dữ liệu thứ cấp, là kết quả đã được thu thập và phân tích trực tiếp hoặc đã được tính toán tổng hợp bởi các tổ chức khác. Việc điều chỉnh phương pháp tính toán các chỉ số thành phần có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tổng hợp chỉ số nhóm và chỉ số GII của một số nước. Vì vậy, trong một số trường hợp, nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo GII đã phải điều chỉnh lại phương pháp tính toán chỉ số thành phần, ví dụ như một số chỉ số của WIPO, WTO. Nguồn: website của Bộ Khoa học và Công nghệ (https://www.most.gov.vn) |
Nguyễn Thanh Hòa